KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Kinh Bát Đại Nhân Giác do Ngài Sa môn An Thế Cao dịch. Ngài tên Thanh, tự Thế Cao là vương tử nước An Tức (một nước cổ thuộc vùng đất Ba Tư, phía tây bắc Ấn Độ hiện nay). Vì họ của Ngài lấy theo tên nước, nên mới có các tên như An Thanh, An Hầu, An Thế Cao. Thuở nhỏ, An Thế Cao có tiếng hiếu thảo, lại thêm thông tuệ, có chí cầu học; các sách vở nước ngoài, thiên văn, địa lý, y học v.v…, thảy đều tinh thông. Đặc biệt về phương diện ngôn ngữ, Ngài thông thạo hơn ba mươi sinh ngữ, cho đến nghe hiểu được tiếng chim thú. Một hôm, An Thế Cao cùng các bạn đang đi trên đường, bổng gặp một đàn chim én ríu rít, liền nói: “Chúng bảo nhau sắp có người đem thức ăn đến.” Một lát sau quả nhiên như vậy! Mọi người ai cũng lấy làm kinh dị. Tiếng tăm của Ngài vì thế sớm đã lừng lẫy khắp nơi.

Thế Cao tuy ở nhà mà giữ gìn giới pháp vô cùng nghiêm tịnh. Sau khi vua cha mất, Ngài lên nối ngôi, song do thấu đáo lẽ vô thường khổ không, nên sớm đã xem vinh hoa phú quý như bèo bọt mây nổi. Khi mãn tang cha xong, Thế Cao liền nhường ngôi lại cho chú, còn mình xuất gia du phương học đạo. Với tài đức sẵn có, chẳng bao lâu Ngài đã thông đạt Tam Tạng, sở trường về A Tỳ Đàm và thiền quán đến mức nhập diệu.

Sau đó, Thế Cao đi qua các nước ở Tây Vực để hoằng hóa; vào niên hiệu Kiến Hòa thứ 2 đời Đông Hán Hoàn Đế (148), lại đến Lạc Dương Trung Quốc. Với sức thông tuệ nghe một biết ngàn, Ngài ở đây chẳng bao lâu đã thông thạo tiếng Hoa và tham gia công tác dịch thuật hơn hai mươi năm (đến niên hiệu Kiến Ninh thứ 3 đời Hán Linh Đế – 170). Đây là thời kỳ đầu của Phật giáo Trung Quốc, thuật ngữ Phật giáo còn chưa phong phú, ít có người thông thạo cả hai thứ tiếng Phạn và Hoa nên việc dịch thuật rất khó khăn và khó tránh có chỗ lầm lẫn.

Thế Cao nhờ là người Tây Vực, lại thông thạo cả hai ngôn ngữ, nên dịch kinh rất chính xác. Kinh điển Ngài dịch nghĩa lý rõ ràng, văn từ xác đáng, lời không hoa mỹ mà văn chất lại chẳng quê mùa chút nào. Độc giả đọc văn, ai cũng say mê không biến chán. Ngài được đánh giá là vị đứng đầu trong các nhà dịch thuật thời đó, là một trong những vị mở đường, đặt nền móng cho Phật giáo Trung Quốc. Những kinh Ngài dịch như An Ban Thủ Ý, Ấm Trì Nhập, A Tỳ Đàm, Ngũ Pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Chuyển Pháp Luân, Bát Chánh Đạo, Thiền Hành Pháp Tưởng, Tu Hành Đạo v.v…, khoảng ba mươi bốn bộ, bốn mươi quyển. Đây là theo Tam Tạng Ký. Ngoài ra còn nhiều thuyết khác, như Cao Tăng Truyện nói có ba mươi chín bộ….